Bê tông là gì? Bê tông có những loại nào?
Bê tông có tên tiếng Anh là Concrete, là một loại đá nhân tạo được hình thành từ hỗn hợp giữa nhiều thành phần khác nhau như: cốt liệu thô, cốt liệu mịn, chất kết dính cùng các loại chất khác theo tỷ lệ nhất định.
So sánh với những vật liệu xây dựng khác, bê tông sở hữu một số những điểm vượt trội sau:
– Tính chịu lực tốt
– Tính ổn định và bền vững với thời gian
– Dễ dàng tạo hình, tạo khối
– Giá thành rẻ
Một số điểm hạn chế của chúng cần phải cải thiện như khối lượng riêng nặng, khả năng cách âm, nhiệt và chống ăn mòn kém.
Ưu điểm của bê tông
2. Thành phần chính của bê tông
Tùy vào từng loại bê tông mà chúng được cấu tạo từ những vật liệu xây dựng khác nhau với tỷ lệ xác định. Sau đây sẽ là những vật liệu phổ biến cấu thành:
– Xi măng: đây là thành phần cơ bản của bê tông cùng nhiều loại vữa khác. Xi măng là hỗn hợp của Silicat canxi, aluminat và hợp chất bổ sung canxi, silic, nhôm và sắt.
– Cốt liệu: có hai loại cốt liệu mịn và thô chiếm tỷ lệ lớn trong hỗn hợp tạo bê tông. Thành phần chúng là cát, sỏi hay đá dăm. Hiện nay khi xây dựng hướng đến yếu tố xanh, bền vững, các cốt liệu tái chế ngày càng được sử dụng rộng rãi hơn.
– Nước: nước là thành phần giúp cho hỗn hợp tạo bê tông có khả năng thủy hóa, hồ xi măng sẽ kết dính các thành phần bên trong, lắp đầy những kẽ hở. Tỷ lệ nước cũng tạo ra tính chất khác nhau giữa các loại bê tông, tỷ lệ thấp cho bê tông chắc và bền hơn trong khi tỷ lệ lớn bê tông không cứng mà mềm chảy, có độ sụt lớn hơn.
– Gia cố: quá trình sản xuất bê tông thường sinh ra lực mạnh để nén hiệu quả hơn, những nó có độ căng yếu bởi xi măng cốt liệu có khả năng bị nứt và phá vỡ kết cấu. Riêng trong bê tông cốt thép, thi công thường bổ sung thêm một trong hai thép cốt, sợi thép hay thủy tinh để tăng được tải kéo.
– Phụ gia khoáng và xi măng trộn: phụ gia khoáng hay vật liệu vô cơ sẽ có đặc tính thủy lực. Các vật liệu vô cơ có thể kể đến như tro, xỉ lò cao, silica fume hay metakaolin,…sẽ giúp giảm chi phí thi công.
Thành phần chính của bê tông
3. Tiêu chí phân loại bê tông
3.1. Theo chất kết dính
Chất kết dính quyết định đến tính độ cứng, độ đàn hồi, tính dẻo,…tạo nên những đặc tính riêng cho từng loại. Từ đó, giá thành của chúng sẽ khác nhau tương đối. Với mỗi loại công trình thi công xây dựng đòi hỏi kết cấu bê tông khác biệt đáp ứng những yêu cầu trong quá trình thi công đảm bảo tính bền vững theo thời gian.
Phân chia theo kết dính, ta sẽ có các loại như bê tông xi măng, silicat, polime, thạch cao và một số các chất kết dính đặc biệt. Trong đó, được biết đến nhiều nhất và thường gặp ở nhiều công trình, dự án chắc chắn là bê tông xi măng.
3.2. Theo công dụng
Do được ứng dụng tại nhiều vị trí khác nhau, chúng ta có thể chia bê tông thành các loại như:
– Bê tông cốt thép: loại này được đổ tại móng nhà, các cột hay sàn nhà,..
– Bê tông thủy công dành riêng cho các công trình thủy lợi, xây đạp, mái kênh với khối lượng lớn.
– Bê tông đổ vỉa hè, sân bay hay các con đường
– Bê tông cho mái vòm, các khu vực bao che, thường có trọng lượng nhẹ
– Bê tông trong các nhà máy chuyên môn, nhà máy hóa chất có tính chịu nhiệt, chống axit hay thậm chí là phóng xạ.
3.3. Theo cốt liệu
Dựa vào kết cấu của bê tông, sẽ có 3 dạng như:
– Bê tông cốt liệu đặc
– Bê tông cốt liệu rỗng
– Bê tông cốt liệu đặc biệt dành cho các nhà máy hóa chất, khu vực đặc biệt có tính chống nhiệt, axit và phóng xạ
3.4. Theo khối lượng riêng
Tùy vào khối lượng riêng, bê tông sẽ được chia thành 4 loại:
– Bê tông đặc biệt nặng: 2500kg/m3, chủ yếu sử dụng cho những công trình đặc biệt
– Bê tông nặng: 2200 – 2500kg/m3, kết cấu có tính chịu lực cao, hỗn hợp của nhiều vât liệu như cát, đá, sỏi.
– Bê tông tương đối nặng: 1800 – 2200/m3, tính chịu lực thấp hơn, sử dụng trong những quy trình quy mô nhỏ.
– Bê tông nhẹ: 500 – 1800kg/m3, không có cốt liệu nhỏ, gồm có bê tông cốt liệu rỗng và bê tông tổ ong.
– Bê tông siêu nhẹ: <500kg/m3, gồm có bê tông tổ ong và bê tông cốt liệu rỗng
4. Các loại bê tông thường gặp
4.1. Bê tông tươi
Đây là loại đã được trộn sẵn, sử dụng nhiều trong thi công công nghiệp và công trình dân dụng nhờ có nhiều ưu điểm vượt trội. Thường chúng sẽ được xác định các tỷ lệ cát, đá, xi măng và phụ gia đi kèm để đảm bảo yêu cầu cho kết cấu công trình.
Ưu điểm:
– Thi công nhanh: do bê tông đã được trộn sẵn tại các trạm lớn, việc di chuyển trên các bồn chuyên dụng cũng hết sức tiện lợi, giúp gia tăng đáng kể thời gian xây dựng và tiến độ thi công.
– Hạn chế rơi vãi: khác biệt so với trộn thủ công nguyên vật liệu sẽ rơi vãi nhiều, gây ra hao phí vật liệu xây dựng. Nhưng riêng với những bồn chứa bê tông sẵn này đã hạn chế gần như tối đa mức lãng phí và thời gian dọn dẹp các khu vực thi công.
– Đồng đều: do trộn hoàn toàn bằng máy nên đầu ra thành phẩm có chất lượng tốt, kiểm soát được tỷ lệ một cách hiệu quả.
Nhược điểm:
– Yêu cầu cao trong quá trình bảo quản: do thi công khối lượng tương đối lớn với tốc độ cao, yêu cầu đầu tiên bê tông phải giũ được chất lượng sau thời gian kéo dài.
– Yêu cầu quản lý chất lượng: Việc kiểm định sẽ yêu cầu phải khắt khe hơn khi trộn bê tông tươi theo hướng công nghiệp. Đặc biệt trộn trong máy cần lựa chọn đơn vị uy tín hạn chế tình trạng thành phẩm kém chất lượng.
Bê tông tươi. Nguồn: Internet
4.2. Bê tông cốt thép
Đây là sự kết hợp giữa bê tông và thép, kết cấu này cho phép cả 2 vật liệu xây dựng cùng tham gia chịu lực. Nguồn gốc của chúng xuất phát từ đặc tính độ chịu kéo thấp của bê tông, được khắc phục khi có thêm tính co giãn của thép.
Ưu điểm:
– Tiết kiệm chi phí: so với các kết cấu khác, bê tông cốt thép rẻ tiền hơn, phù hợp cho những nhịp kích thước vừa và nhỏ so sánh cùng mức chịu tải.
– Chịu lực tốt: đặc tính của chúng chịu được cả tải trọng tĩnh, động và động đất, hiệu quả hơn khi cả hai thành phần cùng tham gia chịu lực.
– Chịu lửa tốt hơn: đặc biệt trong những công trình xây dựng dân dụng, thi công nhà ở, bê tông bảo vệ cho thép không bị nung nóng nhiệt độ cao cũng như giảm thiểu thiệt hại khi hỏa hoạn so với chất liệu gỗ và thép.
Nhược điểm:
– Trọng lượng lớn: chúng có khối lượng riêng lớn nên gây khó khăn trong thi công những nhịp kích thước lớn.
– Các âm kém hơn: Khả năng truyền âm của vật liệu này tốt, cần phải kết hợp với những kết cấu lỗ rỗng nhiều tầng hay bê tông xốp để hạn chế tiếng vang.
– Thi công phức tạp: Việc sắp xếp vị trí thép, khối lượng thép và đường kính của chúng trong bê tông yêu cầu tính chuyên môn cao để đảm bảo đạt yêu cầu.
Bê tông cốt thép. Nguồn: Internet
4.3. Bê tông nhựa
Đây là hỗn hợp của đá, cát, bột khoáng và nhựa đường, Chúng được sản xuất với 3 cấu trúc khác nhau, tạo thành hệ cấu trúc bê tông nhựa: cấu trúc tế vi, cấu trúc trung gian và cấu trúc vĩ mô. Sự thiếu hụt hay thay đổi tỷ lệ giữa các thành phần thì cấu trúc bê tông nhựa sẽ bị phá vỡ, giảm thiểu đáng kể tính chịu lực.
Ưu điểm:
– Tính chịu lực tốt: chịu lực theo phương ngang, dọc, chịu uốn tốt, không bị hao mòn và không sinh ra bụi khó chịu. Đây là đặc tính phù hợp với các công trình bề mặt giao thông.
– Độ bền cao, ít sửa chữa: chúng có tính bằng phẳng, độ cứng không cao nên khi có các phương tiện di chuyển qua lại rất êm và không có tiếng ồn.
Nhược điểm:
– Do có kết cấu nhựa nên khi trời mưa, mặt đường ẩm ướt sẽ gây trơn, cường độ chịu nén cũng giảm đáng kể trong điều kiện thời tiết ẩm ướt kéo dài.
– Hoạt động kém hiệu quả trong điều kiện trời nắng nóng, nhiệt độ cao.
– Công tác thi công tương đối phức tạp, yêu cầu người có trình độ chuyên môn cao và đầu tư trang thiết bị sản xuất tốn kém.
Bê tông nhựa. Nguồn: Internet
4.4. Bê tông thủy công
Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, có thể chia loại bê tông này dựa trên các vị trí của chúng so với mực nước như: bê tông thường xuyên nằm trong nước, bê tông khu vực mực nước thay đổi và bê tông trên khô.
So sánh với các loại khác, bê tông thủy lực sản xuất với khối lượng khổng lồ cho những công trình kết cấu lớn. Tiêu chuẩn của chúng yêu cầu về cường độ, độ bền khi tiếp xúc với môi trường nước, tính chống ẩm và chống thấm nước.
Bê tông thủy công. Nguồn: Internet
4.5. Bê tông xi măng
Đây là loại được sử dụng phổ biến bậc nhất trong các công trình xây dựng, nhà ở hiện nay. Đặc điểm của nó là xi măng chiếm tỷ lệ lớn trong kết cấu, đi kèm với đó là các cốt liệu đá, cát và nước, một số chất phụ gia tăng tính dẫn điện, độ bền hay độ dẻo. Với một số dự án đặc biệt bê tông này còn được tăng cường về khả năng chống ăn mòn axit.
Ưu điểm:
– Giúp cho công trình bền vững theo thời gian nhờ có độ bền cao và tính chịu lực tốt
– Hạn chế các tác động từ bên ngoài môi trường như nhiệt độ, nắng, gió, không khí ẩm
– Tiết kiệm vật liệu đầu vào, hạ chi phí với giá thành rẻ
Nhược điểm:
– Trọng lượng tương đối nặng khiến cho khâu vận chuyển và thi công cần đầu tư nhiều trang thiết bị
– Khả năng cách âm và nhiệt thấp
Bê tông xi măng. Nguồn: Internet
4.6. Bê tông nhẹ
Sử dụng phổ biến trong nội ngoại thất nhà ở xây dựng hiện nay là bê tông nhẹ hay còn gọi là bê tông trần. Như tên gọi của nó, trọng lượng rất nhẹ với thành phần chính là Keramzit, xi măng và cát.
Ưu điểm:
– Trọng lượng nhẹ, thuận tiện cho quá trình thi công xây dựng.
– Hiệu quả cách âm cao, phù hợp cho những không gian yêu cầu sự yên tĩnh.
– Cách nhiệt và tiết kiệm năng lượng, chúng dẫn nhiệt kém, cực kỳ phù hợp với khí hậu ngoài miền bắc khi có mùa hè nóng và đông giá rét.
– Thân thiện với môi trường: việc sử dụng ít vật liệu xây dựng đầu vào sản xuất góp phần bảo vệ đáng kể tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên môi trường, thay thế cho nhiều loại gạch đất nung tốn kém.
Nhược điểm:
– Tương đối hạn chế về vấn đề chống thấm, cần có biện pháp thi công chống thấm hỗ trợ.
– Kích thước tương đối lớn, những khu vực nhỏ cần tốn thời gian xử lý kích thước cho phù hợp.
Bê tông nhẹ. Nguồn: Internet
4.7. Bê tông sinh học
Cấu trúc của loại vật liệu này tương tự như những bê tông khác, tuy nhiên bổ sung thêm thành phần phụ hỗ trợ hiệu quả khi bê tông xuất hiện những vết nứt hay bị thấm nước mưa.
Ưu điểm:
– Hạn chế nứt, thấm, tăng độ bền cho cấu kiện công trình
– Giảm ăn mòn sắt thép bên trong công trình
Nhược điểm:
– Giá thành cao, tương đối tốn kém
– Không có xác định tỷ lệ trộn vi khuẩn trong bê tông sinh học
Bê tông sinh học. Nguồn: Internet
5. Bảng tra mác bê tông
Trong những hạng mục thi công cho các công trình, dự án hay xây dựng dân dụng, thay vì thể hiện mác bê tông, chỉ số cấp độ bền được sử dụng. Chính vì thế, để người đọc có thể nắm rõ được 2 loại thông số này, Viettel Construction sẽ tổng hợp bảng chi tiết cho từng loại mác:
Bảng tra mác bê tông
Mác bê tông | Cấp độ bền | Cường ộ chịu nén |
M50 | B3.5 | 4.50 |
M75 | B5 | 6.42 |
M100 | B7.5 | 9.63 |
M150 | B10 | 12.84 |
M200 | B15 | 19.27 |
M250 | B20 | 25.69 |
M300 | B22.5 | 28.90 |
M350 | B25 | 32.11 |
M400 | B30 | 38.53 |
M450 | B35 | 44.95 |
M500 | B40 | 51.37 |
M600 | B45 | 57.80 |
M700 | B50 | 64.22 |
M800 | B60 | 77.06 |
6. Quy trình sản xuất bê tông
Sau đây là quy trình sản xuất bê tông theo tiêu chuẩn, bao gồm 6 bước:
– Bước 1: Chuẩn bị vật liệu đầu vào bao gồm xi măng, cát, đá, nước và phụ gia đi kèm. Chúng cần được xác định rõ về khối lượng, tỷ lệ cũng như chất lượng trước khi tiến vào sản xuất.
– Bước 2: Trộn các vật liệu, nguyên liệu tạo ra hỗn hợp thực hiện bằng tay hoặc bằng máy để đảm bảo tính đồng nhất và đồng đều.
– Bước 3: Vận chuyển đến công trường, vị trí thi công, những khu vực xa sẽ được vận chuyển bằng xe tải hoặc máy bơm.
– Bước 4: Đóng khuôn bê tông, hỗn hợp được đổ vào khuôn để cố định kích thước
– Bước 5: Giám sát quá trình đông cứng, sau khi kết thúc đổ khuôn cần đảm bảo đông cứng hoàn toàn để tránh hiện tượng tác động từ điều kiện bên ngoài ảnh hưởng chất lượng thành phẩm đầu ra.
– Bước 6: Gia công và hoàn thiện, sau khi đã cứng hoàn toàn, cần gia công để đạt được độ mịn mong muốn như đánh bóng, mài phủ sơn hay công đoạn khác đảm bảo yêu cầu.
Bê tông là gì? Bê tông có những loại nào? Hai câu hỏi này đã được trả lời tương đối đầy đủ và chi tiết trong bài viết này. Viettel Construction hy vọng ra những thông tin sẽ giúp bạn hiểu thêm về những thuật ngữ cơ bản trong xây dựng cũng như nắm được cách tra mác bê tông và hiểu thêm về quy trình sản xuất trong thực tế. Mong muốn tìm hiểu sâu hơn về lĩnh vực xây dựng, hãy tham khảo thêm những bài viết mới của chúng tôi bạn nhé!