Là năm đầu tiên gia nhập câu lạc bộ Top 50 Công ty niêm yết tốt nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam, Viettel Construction còn vinh dự trở thành đơn vị nhận vinh danh đầu tiên từ Forbes Việt Nam.
Đại diện Viettel Construction nhận vinh danh từ Forbes Việt Nam
Để xếp hạng Danh sách 50 Công ty niêm yết tốt nhất 2022, Forbes Việt Nam xem xét tất cả các cổ phiếu niêm yết trên sàn HSX, HNX và sắp xếp theo từng nhóm ngành. Ở vòng sơ loại, các công ty cần đáp ứng các điều kiện: có lợi nhuận trong năm tài chính 2021, doanh thu và vốn hóa tối thiểu 500 tỉ đồng. Ở vòng kế tiếp, các công ty được tính toán chấm điểm định lượng trên các tiêu chí: tỉ lệ tăng trưởng kép về doanh thu, lợi nhuận, tỉ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE); lợi nhuận trên vốn đầu tư (ROC); tăng trưởng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) giai đoạn 2017 – 2021.
Tiếp theo, Forbes Việt Nam thực hiện điều tra định tính để đánh giá mức phát triển bền vững của doanh nghiệp: vị thế công ty trong ngành; nguồn gốc lợi nhuận; chất lượng quản trị; triển vọng phát triển, phát triển bền vững…
Các công ty trong danh sách vinh danh năm 2022 được Forbes cho rằng đều có nền tảng rất vững vàng sau đại dịch, không chỉ có kết quả kinh doanh tốt mà còn được kỳ vọng có sức bật trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đối diện với nhiều thử thách và thể hiện sức bật của giai đoạn “bình thường mới” của thời kỳ hậu COVID-19.
Năm 2021, Viettel Construction ghi nhận doanh thu 7.454 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 375,76 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 17% và 37% so với năm trước, đây cũng là con số lợi nhuận lớn nhất Viettel Construction đạt được từ khi thành lập tới nay.
Điểm nhấn kết quả kinh doanh của Viettel Construction trong giai đoạn 2017-2022
Kết quả lũy kế 06 tháng đầu năm 2022, Viettel Construction cũng ghi nhận doanh thu đạt 4.223 tỷ đồng, tăng trưởng 19% so với cùng kỳ năm 2021 (tương đương 49,2% kế hoạch năm 8.586,3 tỷ đồng). Lợi nhuận trước thuế đạt 240 tỷ đồng, tăng trưởng 24% so với cùng kỳ, lũy kế lợi nhuận trước thuế đạt 46,4% kế hoạch năm 517,6 tỷ đồng.
Ngay sau khi chuyển từ sàn giao dịch Upcom sang HOSE hồi tháng 2 vừa qua, cổ phiếu CTR của Viettel Construction đã thu hút giới đầu tư trong và ngoài nước khi lập đỉnh mức 120.000 đồng/cp vào phiên giao dịch ngày 19/4/2022 (tăng 40% so với mức giá chào sàn ban đầu 85.400đ/cp).
Chủ đề “Tái tạo tăng trưởng” được thảo luận sôi nổi tại sự kiện
Cũng tại sự kiện, Forbes Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn Kinh doanh thường niên lần thứ 10, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang được vận hành sau nhiều biến động do đại dịch COVID-19.
Với chủ đề “Tái tạo tăng trưởng”, các chuyên gia và lãnh đạo cấp cao từ những doanh nghiệp hàng đầu đã thảo luận về viễn cảnh kinh doanh, các cơ hội và thách thức, các hướng phát triển bền vững, nhằm cung cấp góc nhìn toàn cảnh về môi trường kinh doanh và tầm nhìn bền vững cho tương lai doanh nghiệp.
Ở phiên thảo luận đầu tiên, chuyên gia nghiên cứu kinh tế vĩ mô Brian Lee Shun Rong đến từ Maybank chia sẻ góc nhìn về các lợi thế cạnh tranh của Việt Nam cũng như các rào cản và thách thức trên con đường trở thành một con hổ mới của châu Á. Ông Brian Lee đánh giá Việt Nam đạt được tốc độ phát triển mạnh mẽ trong thập niên qua nhờ chiến lược công nghiệp hóa được dẫn dắt bởi nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Nhờ chiến lược này Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu của khu vực, một “ngôi sao đang lên” trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Brian Lee – Nhà nghiên cứu kinh tế vĩ mô Maybank
Số liệu từ Maybank cho thấy nguồn vốn FDI vào Việt Nam chiếm tỷ trọng 5-6% GDP, cao hơn các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Đặc biệt Việt Nam hưởng lợi từ sự dịch chuyển sản xuất của các tập đoàn toàn cầu trong ngành công nghiệp điện tử nhằm tránh sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Ở trong nước, các doanh nghiệp cũng đạt bước tiến trong chuỗi giá trị toàn cầu, từ phụ thuộc vào ngành hàng may mặc xuất khẩu nay trở thành đầu tàu trong ngành công nghiệp điện tử.
Ông Brian Lee cho rằng Việt Nam có thể tập trung xây dựng nền kinh tế số làm động lực. Ông dẫn chứng việc 8% tăng trưởng GDP là nhờ vào nền kinh tế số, dự báo năm 2025 Việt Nam sẽ có nền kinh tế số lớn thứ hai của khu vực, chỉ sau Indonesia.
Ở phiên thảo luận thứ hai, với chủ đề Kinh tế vĩ mô Việt Nam, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành – giảng viên trường Chính sách công và Quản lý Fulbright khẳng định Việt Nam sẽ kiểm soát được lạm phát mục tiêu 4% như Quốc hội đề ra từ đầu năm.
Việt Nam trong vùng xanh với mức lạm phát 3,4%, là điểm tích cực, kể cả may mắn. Điều này, có thể gây nghi ngờ với người dân và doanh nghiệp khi hàng ngày đi chợ hay mua nguyên vật liệu đều tăng từ 12-18%. “Tuy nhiên, nếu nhìn vào rổ hàng hóa có thể giải thích được khi lương thực thực phẩm chiếm tỷ trọng hơn 30% trong rổ tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thời gian qua giá gạo và thịt heo không tăng mạnh, trong khi giá năng lượng đã tăng hơn 50% nhưng lại chỉ chiếm 8% trọng số,” ông Thành lý giải.
Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành – Giảng viên trường Chính sách công và Quản lý Fulbright
Ở phiên thảo luận cuối, các đại diện doanh nghiệp Việt Nam đã chia sẻ về con đường phát triển kinh doanh bền vững, có trách nhiệm xuất phát từ nhận thức nội tại của doanh nghiệp, sức ép từ cộng đồng và tuân thủ các hiệp định thương mại thế hệ mới.