Xu hướng chi tiêu và thị trường thiết bị gia dụng Việt Nam
Theo báo cáo mới nhất từ Statista (Công ty nghiên cứu thị trường của Đức với nền tảng hơn 1.000.000 thống kê, 80.000 chủ đề, từ 22.500 nguồn và 170 ngành khác nhau), thị trường thiết bị gia dụng Việt Nam năm 2023 có thể đạt mức doanh thu 8,2 tỷ đô (tương đương gần 200.000 tỷ đồng).
Statista chỉ ra rằng, thị trường thiết bị gia dụng Việt Nam có tỷ lệ tăng trưởng hàng năm đạt 5,15% (CAGR 2023-2028). Sau đại dịch Covid-19, người dân Việt Nam có tâm lý dành nhiều thời gian cho gia đình hơn. Họ ở nhà nhiều hơn nên muốn chăm chút hơn cho ngôi nhà của mình. Chính vì vậy nhu cầu nâng cấp và mức độ chi tiêu cho các thiết bị điện tử sẽ dần tăng lên khi nền kinh tế bắt đầu hồi phục.
Hình ảnh một không gian sống hiện đại với các thiết bị gia dụng
Việc chuyển đổi sang công nghệ tiên tiến và tiết kiệm năng lượng hơn để sử dụng trong các hộ gia đình là động lực chính đằng sau sự tăng trưởng của thị trường đồ gia dụng. Thị trường này được chia thành 2 phân khúc chủ đạo:
- Thiết bị chính bao gồm: tủ lạnh, tủ đông, máy rửa bát, máy giặt, bếp, lò vi sóng, điều hòa không khí,…
- Thiết bị phụ trợ bao gồm: máy hút bụi, máy sấy tóc, bàn là, lò nướng bánh,…
Các thiết bị chính có giá thành cao nhưng ít được thay thế thường xuyên hơn. Trong khi đó, các thiết bị phụ trợ có giá và tuổi thọ thấp hơn, bản thân người tiêu dùng sẵn sàng thay thế với các phiên bản kiểu mới, công nghệ tiên tiến hơn. Nhóm các sản phẩm phụ trợ này cũng chính là phân khúc đóng góp vào doanh thu bán hàng nhiều nhất.
Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 2022 theo giá hiện hành đạt 4,67 triệu đồng, tăng 11,1 điểm % so với năm 2021. Năm 2022 là năm đánh dấu sự khôi phục về kinh tế và tình hình đời sống dân cư. Thu nhập tăng đều ở cả thành thị và nông thôn. Thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 2022 ở khu vực thành thị đạt gần 5,95 triệu đồng (tăng 10,4 điểm % so với năm 2021) cao gấp 1,54 lần thu nhập bình quân ở khu vực nông thôn là 3,86 triệu đồng (tăng 10,8 điểm % so với năm 2021).
Nguồn: Tổng Cục thống kê
Báo cáo đưa ra phân tích trung bình năm 2023, mỗi hộ gia đình Việt Nam chi tiêu khoảng 8,4 triệu đồng cho thiết bị gia dụng. Với quy mô dân số gần 100 triệu dân cùng nhu cầu tiêu dùng ngày càng gia tăng, Việt Nam được đánh giá là điểm thu hút hàng đầu của các thương hiệu về thiết bị điện tử, gia dụng thông minh.
Phát biểu tại lễ khai mạc Triển lãm Quốc tế Điện tử và Thiết bị Thông minh (IEAE 2023) diễn ra vào ngày 19/7/2023, ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á – châu Phi cho biết, trước nhu cầu của thị trường thiết bị điện tử và thông minh ngày càng cao, các doanh nghiệp của Trung Quốc đang có kế hoạch gia nhập thị trường Việt Nam và khu vực Đông Nam Á trong thời gian tới.
Ông Tô Ngọc Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công thương) phát biểu tại Lễ Khai mạc triển lãm quốc tế về Điện tử và đồ gia dụng Việt Nam
Triển vọng sáng dành cho Viettel Construction trong việc gia nhập thị trường thiết bị gia dụng
Công nghệ và thương hiệu là thứ rất được thị trường quan tâm, nhưng người tiêu dùng Việt Nam cũng rất cân nhắc về yếu tố giá cả phù hợp khi lựa chọn mua các sản phẩm hay thiết bị. Điều này mở ra một cơ hội mới cho Viettel Construction trong chiến lược mở rộng các SKUs trong giai đoạn 2023-2025 với một diện mạo hoàn toàn mới.
Trước đó vào tháng 11/2022, Viettel Construction đã tung ra thị trường sản phẩm bếp từ đôi AIO được các bà mẹ nội trợ đón nhận tích cực. Việc bổ sung nhóm các sản phẩm quạt sưởi, nồi cơm điện, ấm siêu tốc,… sẽ là chiến lược hoàn thiện hệ sinh thái của Tổng Công ty trong thời gian tới.
Trong suốt khoảng thời gian từ năm 2019 đến nay, số lượng hộ gia đình mà Viettel Construction cung cấp sản phẩm dịch vụ lên đến hàng triệu hộ, đa dạng các thương hiệu và khoảng giá khác nhau, do đó việc nắm bắt tâm lý và thị hiếu khách hàng trở thành thế mạnh của Tổng Công ty.