Sáng ngày 18/9/2023, Viettel Construction và Hiệp hội Doanh nghiệp phát triển Kinh tế Văn hóa và Giáo dục Đài – Việt đã có buổi gặp gỡ và trao đổi về cơ hội hợp tác sản xuất, đầu tư tại thị trường Việt Nam.
Tham dự buổi lễ, về phía Viettel Construction có sự xuất hiện của ông Phạm Đình Trường – Tổng Giám đốc; ông Nguyễn Thái Hưng – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty, cùng các Giám đốc Trung tâm, Trưởng phòng Khối Cơ quan.
Ông Phạm Đình Trường – Tổng Giám đốc Viettel Construction (vị trí ngoài cùng bên trái)
Về phía Hiệp hội Doanh nghiệp phát triển Kinh tế Văn hóa và Giáo dục Đài – Việt có sự tham gia của bà Ngô Phẩm Trân – Chủ tịch Hiệp hội; ông Huang Yuan Te – Tổng Giám đốc Nu-wa Group; ông Chen Kuan Cheng – Tổng Giám đốc Voltronic Power; ông Lin Chin Chang – Chủ tịch HĐQT Easten Ever International.
Theo đó, Viettel Construction và Hiệp hội Doanh nghiệp phát triển Kinh tế Văn hóa và Giáo dục Đài – Việt đã thống nhất đi đến thảo luận chuyên sâu trong việc hợp tác:
- Viettel Construction kết hợp các doanh nghiệp Đài Loan tại Việt Nam trong việc thi công, lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời (NLMT) tại các nhà máy tiềm năng.
- Viettel Construction tham gia với tư cách là thầu chính xây dựng các nhà máy, nhà xưởng cho các doanh nghiệp Đài Loan tại Việt Nam.
- Liên kết các doanh nghiệp Đài Loan để nghiên cứu, OEM các sản phẩm ICT, pin lưu trữ,…
Bà Ngô Phẩm Trân – Chủ tịch Hiệp hội phát triển Kinh tế Văn hóa Giáo dục Đài – Việt
Phát biểu tại buổi lễ, bà Ngô Phẩm Trân chia sẻ Viettel Construction là một đơn vị uy tín tại Việt Nam, việc xúc tiến hợp tác giữa hiệp hội và Viettel Construction sẽ giúp cho các doanh nghiệp Đài Loan có được thuận lợi hơn khi gia nhập thị trường Việt Nam. Đồng thời, Viettel Construction cũng có thể liên kết sử dụng các công nghệ tiên tiến mà các doanh nghiệp Đài Loan đang sở hữu vào các ngành nghề như: ICT, smarthome, nông nghiệp công nghệ cao,…
Ông Chen Kuan Cheng – Tổng Giám đốc Voltronic Power (chính giữa)
Hiệp hội phát triển Kinh tế Văn hóa Giáo dục Đài – Việt được thành lập từ năm 2016, đến tháng 11/2019 được Bộ Ngoại giao Việt Nam cấp phép thành lập chi hội tại Việt Nam. Hiện nay, hiệp hội có tổng số hơn 300 thành viên là các Tập đoàn điện tử, công nghệ hàng đầu của Đài Loan, hoạt động với 5 ủy ban chính: Công nghệ, Y tế, Nông nghiệp, Thương Mại và Giáo dục.
Trong những năm gần đây, xu thế các doanh nghiệp Đài Loan lựa chọn Việt Nam là nơi đầu tư, sản xuất do vị trí địa lý thuận lợi, cộng với sự tương đồng về văn hóa. Bên cạnh đó, Việt Nam có mối quan hệ chính trị song phương và đa phương ổn định với nhiều quốc gia, đây là yếu tố quan trọng để các tổ chức đặt chân đến đầu tư.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đài Loan liên tục rót tiền đầu tư vào Việt Nam trong những năm vừa qua. Chỉ tính riêng năm 2022, Đài Loan đầu tư vào Việt Nam khoảng 1,35 tỷ USD với 86 dự án cấp mới, xếp thứ 6 trong tổng số các nền kinh tế đầu tư vào Việt Nam.
4 tháng đầu năm 2023, Đài Loan đã đầu tư vào Việt Nam khoảng 594,48 triệu USD với 50 dự án cấp mới. Trong đó, vốn đăng ký cấp mới đạt khoảng 328,17 triệu USD; giá trị góp vốn, mua cổ phần đạt khoảng 142,30 triệu USD.
Tính đến 20/4/2023, lũy kế tổng vốn đầu tư từ Đài Loan vào Việt Nam đạt 37,01 tỷ USD với tổng 2.959 dự án. Với số vốn này, Đài Loan hiện xếp thứ 4 trong danh sách các nền kinh tế đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam.
Lũy kế tổng vốn FDI từ Đài Loan vào Việt Nam từ năm 2017 đến nay. Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Nguồn ảnh: CafeF)
Về lĩnh vực đầu tư, các dự án đầu tư của Đài Loan tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm hơn 80% tổng vốn đầu tư đăng ký; đứng thứ hai là lĩnh vực xây dựng; tiếp theo là lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản. Còn lại là những ngành khác.
Theo địa bàn đầu tư, Đài Loan hiện đã có đầu tư tại hơn 55 tỉnh thành phố của Việt Nam. Hà Tĩnh là địa phương dẫn đầu về vốn đầu tư của Đài Loan tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt hơn 11 tỷ USD, chiếm 30% lũy kế tổng vốn đầu tư.
Đứng thứ hai là Bình Dương tổng vốn đầu tư đạt hơn 6 tỷ USD, chiếm hơn 16 % lũy kế tổng vốn đầu tư. Đứng thứ ba là Đồng Nai tổng vốn đầu tư hơn 5 tỷ USD, chiếm hơn 13% lũy kế tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, TP. Hồ Chí Minh…
Những năm gần đây, vốn đầu tư từ Đài Loan vào Việt Nam có sự thay đổi đáng kể, liên tục vươn lên trong vị trí xếp hạng, tăng về quy mô, thay đổi về hình thức, lĩnh vực, mở rộng về địa bàn. Nếu như các giai đoạn trước dòng vốn của Đài Loan chỉ tập trung vào các lĩnh vực khách sạn, nhà hàng và sản xuất hàng tiêu dùng với quy mô nhỏ là chủ yếu, thì thời gian gần đây đã có sự chuyển dịch mạnh, thay đổi đáng kể trong lĩnh vực đầu tư.
Việc liên kết hợp tác giữa Viettel Construction và Hiệp hội Doanh nghiệp phát triển Kinh tế Văn hóa và Giáo dục Đài – Việt sẽ là cơ hội cộng hưởng sức mạnh của 11.000 CBNV trong việc cung cấp các giải pháp cho doanh nghiệp Đài Loan khi gia nhập thị trường Việt Nam. Đồng thời sẽ là cơ hội để Viettel Construction áp dụng công nghệ hiện đại, hoàn thiện hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ trong hành trình nâng cao chất lượng sống của người dân trên cả nước.