Đại hội đồng cổ đông Công trình Viettel thông qua kế hoạch lãi sau thuế 2018 trên 145 tỷ đồng, tăng hơn 30%; cổ tức 10-20%; bầu bổ sung thành viên HĐQT và hợp đồng với công ty mẹ – Tập đoàn Viettel.
Sáng nay 19/6, Công ty Cổ phần Công trình Viettel (Mã: CTR) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018.
Kế hoạch kinh doanh tham vọng với khai thác vận hành
Năm 2018, Công trình Viettel xây dựng kế hoạch kinh doanh với doanh thu hợp nhất 4.168 tỷ đồng, tăng 27% so với năm ngoái; lợi nhuận sau thuế 145,3 tỷ đồng, tăng 33%. Công ty dự kiến trả cổ tức tỷ lệ 10 – 20%.
Kế hoạch kinh doanh tham vọng của ban lãnh đạo công ty đến từ việc đẩy mạnh hoạt động vận hành khai thác, khi lĩnh vực xây lắp đang trở nên khó khăn hơn. Với lĩnh vực xây lắp truyền thống, sự cắt giảm đầu tư của Tập đoàn Viettel tại các thị trường nước ngoài cản trở tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận khối xây lắp.
Năm 2018, dự kiến lợi nhuận hoạt động vận hành khai thác sẽ chiếm 3,5% doanh thu, tăng 3 lần so với năm 2017, ông Dương Quốc Chính – Giám đốc công ty chia sẻ.
Năm 2017, hoạt động vận hành khai thác đạt 100% chỉ tiêu kĩ thuật và mang lại lợi nhuận 21,1 tỷ đồng cho công ty, tăng trưởng 8% so với 2016.
Tại đại hội, các cổ đông thông qua tờ trình của HĐQT về chấp thuận hợp đồng, giao dịch với Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel). Theo đó, công ty sẽ cung cấp dịch vụ vận hành khai thác, ứng cứu thông tin, quản lý và khai thác thuê bao cố định. Giá trị hợp đồng ước tính 2.900 tỷ đồng, thời hạn một năm.
Chiến lược nhân sự
Ông Hoàng Công Vĩnh, Chủ tịch HĐQT xin từ chức vì lý do nghỉ hưu sau 14 năm gắn bó với Công trình Viettel. Bên cạnh đó, 1 thành viên HĐQT khác và 3 thành viên Ban kiểm soát cũng có đơn xin từ chức.
Tại đại hội, các cổ đông bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT và 3 thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2015 – 2020. Ông Tào Đức Thắng được bầu làm Chủ tịch HĐQT của Công trình Viettel. Ông Thắng sinh năm 1973, hiện là Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel.
Liên quan đến câu hỏi của cổ đông liên quan đến bộ máy cồng kềnh với 9.000 người và kế hoạch cắt giảm nhân sự. Ông Dương Quốc Chính cho biết công ty đang có chiến lược xây dựng đội ngũ chuyên gia chiếm 10% tổng quân số để xây dựng bộ máy về vận hành khai thác tại nước ngoài. Trong năm 2017, doanh thu tăng, nhưng công ty không gia mở rộng số lượng lao động. Ngoài ra, năng suất lao động của công ty kỳ vọng tăng 5% lên 20% nhờ áp dụng công nghệ thông tin.
Trong năm 2018, Công trình Viettel triển khai thử nghiệm vận hành khai thác tại thị trường Myanmar với 95% nhân lực tại nước sở tại và 5% nhân sự từ Việt Nam. Nếu thành công, công ty sẽ nhân rộng mô hình sang các thị trường khác, ông Chính cho biết.
Ngỏ lời làm cổ đông chiến lược
Hiện, Tập đoàn Viettel đang là cổ đông lớn nắm giữ 34,5 triệu cổ phiếu tương ứng 73,2% vốn điều lệ của công ty.
Đại diện của một quỹ đầu tư chia sẻ muốn trở thành cổ đông chiến lược sở hữu trên 10% vốn điều lệ của Công trình Viettel. Tuy nhiên, với cơ cấu cổ đông cô đặc, rất khó để có thể “gom hàng” với khối lượng lớn. Đại diện này đề xuất công ty phát hành trái phiếu chuyển đổi cho cổ đông chiến lược.
Ông Chính cho biết, hiện nay công ty đang không có nhu cầu về vốn, nợ vay ngắn hạn của công ty chỉ 34,4 tỷ đồng và không sử dụng nợ dài hạn. Công trình Viettel muốn hợp tác với cổ đông chiến lược với ý tưởng kinh doanh trong trong lĩnh vực mới.
Đại hội cũng thông qua việc đổi tên thành Tổng Công ty cổ phần Công trình Viettel và tăng vốn điều lệ lên 518 tỷ đồng thông qua trả cổ tức cho cổ đông bằng cổ phiếu tỷ lệ 10%. Theo đó, công ty dự kiến phát hành 4,7 triệu cổ phiếu mới từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.