Buổi lễ có sự tham gia của ông Đỗ Mạnh Hùng – Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Viettel Construction, ông Phạm Đình Trường – Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, ông Bùi Duy Bảo – Kế toán trưởng.
Về phía Tập đoàn Viettel có sự xuất hiện của bà Vũ Thị Mai – Thành viên Hội đồng Quản trị Viettel Construction (kiêm Trưởng Ban Tổ chức Nhân lực Tập đoàn Viettel), bà Nguyễn Thị Hải Lý – Trưởng ban Đầu tư Tài chính.
Cổ đông Viettel Construction năm 2024 có thể tham gia theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến
Với kết quả tổng doanh thu năm 2023 đạt 11.398 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2022 và bằng 110% so với kế hoạch đặt ra (10.338 tỷ đồng). Lợi nhuận trước thuế đạt 645,4 tỷ đồng, tương đương hoàn thành 105% kế hoạch năm 613,2 tỷ đồng (tăng trưởng 16% so với năm 2022).
Tại buổi lễ, cổ đông đã thông qua các tờ trình về phương án phân phối lợi nhuận năm 2023. Trong đó, Tổng Công ty trả cổ tức hoàn toàn bằng tiền mặt với tỷ lệ 27,2% (311 tỷ đồng).
Năm 2024, Tổng Công ty đặt kế hoạch doanh thu đạt 12.653 tỷ đồng, tăng trưởng 11% so với năm 2023. Lợi nhuận trước thuế 671,4 tỷ đồng, cao hơn 4,1% so với năm ngoái.
Tại Đại hội, Đoàn Chủ tịch đã trả lời và chia sẻ thông tin từ các câu hỏi trực tiếp và trực tuyến:
Câu hỏi số 1: Tại sao Tổng Công ty đặt kế hoạch năm 2024 tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn so với tăng trưởng doanh thu?
Ông Phạm Đình Trường – Tổng Giám đốc Viettel Construction cho biết: Tổng Công ty xây dựng kế hoạch dựa trên đánh giá môi trường kinh doanh và nguyên tắc thận trọng. Hội đồng Quản trị và Ban điều hành luôn đặt nguyên tắc làm việc: Nhiệm vụ đã hứa với cổ đông thì phải hoàn thành hoặc tốt hơn. Kết quả kinh doanh công ty được cập nhật định kỳ hàng tháng để cổ đông nắm bắt được thông tin. Năm nay do chưa tăng được vốn nên việc lợi nhuận có tăng trưởng thì chỉ tiêu lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) cũng tăng lên và cũng sẽ giúp giá cổ phiếu tốt hơn.
Ông Phạm Đình Trường – Tổng Giám đốc Viettel Construction
Câu hỏi số 2: Chiến lược phát triển 5 năm tiếp theo? Mảng nào là mảng tăng trưởng chính?
Tổng Công ty đang xây dựng chiến lược đến 2030, quan điểm đặt mục tiêu tăng trưởng tối thiểu 10%. Tăng trưởng sẽ đến từ tất cả lĩnh vực:
+ Lĩnh vực Vận hành tăng trưởng trung bình khoảng 5% theo hạ tầng.
+ Lĩnh vực Xây dựng tăng trưởng tốt hơn dựa trên thị trường xây dựng tiềm năng ở Việt Nam. Khi có uy tín thì công ty sẽ tăng được thị phần.
+ Lĩnh vực Giải pháp & Dịch vụ Kỹ thuật kết hợp với xây dựng dân dụng B2C tạo nên hệ sinh thái hoàn chỉnh để cộng hưởng được tốt hơn. Mảng này sẽ tăng trưởng nhờ kinh tế phát triển, thu nhập bình quân đầu người tăng lên.
+ Lĩnh vực Đầu tư hạ tầng sẽ có tốc độ tăng trưởng cao nhờ mạng 5G. Các nhà mạng sẽ triển khai rất nhanh làm 5G để kinh doanh.
Câu hỏi số 3: Lãnh đạo chia sẽ về tình hình đầu tư dự án cao tốc Bắc-Nam và dự án điện mạch 3?
Dự án điện mạch 3 Tổng Công ty có tham gia, do chưa đủ năng lực liên quan điện công nghiệp nên trước mắt công ty làm thầu phụ cho nhà thầu chính. Hợp đồng đang thực hiện có giá trị 15 tỷ cho phần xây dựng. Sắp tới sẽ nhận thêm một số gói lắp dựng cột.
Dự án đầu tư tuyến cáp ngầm cao tốc Bắc – Nam: Dự án đã được HĐQT thông qua, dự kiến năm nay đầu tư gần 400 tỷ, dự án sẽ bám theo tiến độ triển khai cao tốc Bắc-Nam của Chính phủ.
Câu hỏi số 4: Hệ sinh thái B2C ở Việt Nam đang rất có tiềm năng tăng trưởng lớn và Công ty có lợi thế về độ phủ, tại sao Công ty không tập trung để đẩy mạnh mà lại phân bổ nguồn lực đầu tư sang thị trường Úc? Việc tiến sang Úc là Công ty thăm dò hay bước đi chiến lược?
Để có một doanh nghiệp trường tồn và phát triển bền vững thì phải những bước đi chiến lược có tính dài hạn. Ví dụ như thành công của Tập đoàn Viettel nhờ có chiến lược dài hạn đầu tư nước ngoài từ rất sớm nên năm vừa qua doanh thu dịch vụ ở nước ngoài đã bằng doanh thu viễn thông tại Việt Nam. Viettel rất có kinh nghiệm trong đầu tư ra nước ngoài, có nhiều mô hình nhưng mô hình nào cũng phải hiệu quả, an toàn. Cách tiếp cận của Viettel Construction sẽ triển khai thận trọng: Bước đầu sẽ tiếp cận đối tác nước ngoài làm thương mại, bước 2 là cử nhân sự học hỏi kinh nghiệm, bước 3 là đánh giá về thị trường đặc biệt là vấn đề pháp luật nước sở tại và hiệu quả để quyết định làm theo hình thức đầu tư hay làm theo hình thức làm cung ứng dịch vụ.
Cổ đông Minh Toàn đặt câu hỏi tại Đại hội
Câu hỏi số 5: Tỷ lệ dùng chung hạ tầng mảng TowerCo thấp, xu hướng trên thế giới các công ty viễn thông liên doanh thành lập các công ty Towerco để tận dụng hạ tầng của nhau. Nếu trong nước các nhà mạng khác cũng liên doanh lại thành lập TowerCo thì trở thành đối thủ lớn cho Viettel Construction không? Công ty có giải pháp tăng tỷ lệ dùng chung và phòng tránh trường hợp các nhà mạng khác cũng thành lập các TowerCo riêng?
Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến khích các doanh nghiệp dùng chung hạ tầng, Viettel là đơn vị tiên phong trong xu thế này. Tỷ lệ dùng chung hiện tại đang 1.03 đến năm 2025 có thể tăng lên 1.05 hoặc 1.1 vì quỹ trạm của Viettel Construction sở hữu ngày càng tăng và ở các vị trí mới các nhà mạng chưa có sẽ phải thuê. Xu hướng các nhà mạng sẽ không đầu tư sở hữu hạ tầng mà đi thuê. Về liên doanh các nhà mạng, thì như Trung Quốc các nhà mạng góp hạ tầng lại thành lập Công ty hạ tầng chung dựa trên hạ tầng sẵn có. Viettel Construction là Công ty cổ phần nên hoàn toàn có thể góp hạ tầng cùng các nhà mạng thành Công ty hạ tầng chung.
Câu hỏi số 6: Tại sao năm 2023 không chia cổ tức bằng cổ phiếu mà chia toàn bộ bằng tiền mặt trong khi công ty cần nhiều vốn để đầu tư cho hạ tầng cho thuê? Tỷ lệ trích quỹ khen thưởng phúc lợi tăng từ 15% năm 2022 lên 25% năm 2023. Tính ra EPS sẽ giảm 10%. Công ty có tính toán phương án hài hòa cho cổ đông?
Trả lời câu hỏi này, ông Đỗ Mạnh Hùng – Chủ tịch HĐQT Viettel Construction cho biết: Việc không thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu là do Công ty tuân thủ theo một số quy định của pháp luật. Để có nguồn lực cho 5 năm tới, Viettel Construction có kế hoạch tăng vốn, trong báo cáo của HĐQT chúng tôi cũng định hướng đây là nhiệm vụ trọng tâm của năm nay. Phương án tăng vốn cụ thể sẽ được báo cáo Đại hội sau khi có đầy đủ thông tin. Hiện nay, chúng tôi đang cân nhắc nhiều phương án tăng vốn, ưu tiên phương án nào đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho cổ đông. Về định hướng cho 5 năm tới sẽ tăng trưởng 2 con số và tối thiểu là 10%. Tổng Công ty nhìn thấy cơ hội 5 năm thậm chí 10 năm tới là câu chuyện 5G. Vì thế, Viettel Construction xác định đây là khoảng thời gian thách thức nhưng thú vị để Tổng công ty hiện thực hoá mục tiêu phát triển bền vững. Viettel Construction sẽ phải đầu tư mạnh để chiếm lĩnh thị trường cho thuê, chúng tôi ưu tiên đầu tư hạ tầng trạm cho 5G ngoài ra có thể đầu tư cả phần nguồn cho nhà trạm.
Ông Đỗ Mạnh Hùng – Chủ tịch HĐQT Viettel Construction
Về trích lập quỹ: Chúng tôi tuân thủ theo quy định của Pháp luật, năm 2023 có trích quỹ Đầu tư phát triển để có nguồn vốn đầu tư, trích thêm quỹ Khen thưởng Phúc lợi với mong muốn đảm bảo phúc lợi cho người lao động và khen thưởng động viên kịp thời người lao động hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và vượt qua thách thức của năm 2024 từ đó tạo thêm nhiều lợi nhuận cho cổ đông. Chúng tôi đã cân nhắc, tính toán cẩn thận cho phương án phân phối lợi nhuận dựa trên sự hài hòa lợi ích cho cổ đông và người lao động.
Câu hỏi số 7: Hiện tại Công ty sở hữu hơn 6.000 trạm thì so với các nhà mạng khác như Vinaphone, MobiFone thì tương quan về trạm thế nào? Sau chu kỳ 5G thì quy mô hạ tầng của mình có tương đương các nhà mạng trên không?
Hiện tại Viettel Construction sở hữu khoảng 6.500 trạm, MobiFone sở hữu khoảng 15.000 trạm; Vinaphone cũng khoảng 15.000 trạm. Năm nay chúng tôi thêm 4.000 trạm là lên hơn 10.000 trạm bằng 2/3 số trạm của Vina hoặc Mobi. Khi có 5G bùng nổ, Viettel Construction có thể sở hữu tới 30.000-50.000 trạm BTS trong 5-10 năm tới.
Đại diện quỹ đặt câu hỏi cho Đoàn Chủ tịch tại buổi lễ
Câu hỏi số 8: Trạm BTS của Viettel Construction đầu tư cho thuê tập trung khu vực nào (đô thị hay vùng sâu vùng xa, miền Bắc hay miền Trung, miền Nam?
Chúng tôi xây trạm cho thuê trên toàn quốc không phụ thuộc vào khu vực nào.
Câu hỏi số 9: Có nhà mạng nào khác thuê trạm của Viettel Construction ngoài Viettel không?
Ngoài Viettel ra có Vinaphone và MobiFone thuê trạm của Viettel Construction. Tỷ lệ dùng chung đang là 1,03 và xu thế sẽ tăng lên.
Câu hỏi số 10: Viettel Construction có mong muốn hợp tác với đối tác nước ngoài về công nghệ mới không?
Việc Viettel phát triển hạ tầng 5G là cơ hội để Viettel Construction tăng trưởng trong 5-10 năm tiếp theo. Viettel Construction luôn sẵn sàng tìm đối tác cả trong và ngoài nước có tiềm lực và kinh nghiệm để học hỏi kinh nghiệm, công nghệ mô hình tiên tiến, cùng nhau phát triển bền vững.