Tham gia đấu thầu từ tháng 10/2023, Viettel Construction đã chính thức được Tập đoàn Viettel lựa chọn là đơn vị Vận hành khai thác nhà trạm, cố định băng rộng, kênh truyền tại 62 Tỉnh, thuộc các khu vực: Trung du và miền núi phía Bắc; Đồng bằng Sông Hồng; Ven biển miền Trung; Tây Nguyên; Đông Nam Bộ (Trừ TP. Hồ Chí Minh); Đồng bằng sông Cửu Long.
Dịch vụ Vận hành Khai thác nhà trạm và ứng cứu thông tin lớp mạng truy nhập, quản lý đường dây thuê bao, triển khai mới khách hàng cố định băng rộng và kênh truyền được Viettel Construction cung cấp cho Tập đoàn Viettel từ năm 2017 đến nay theo hợp đồng ký kết từng năm. Tuy nhiên trong giai đoạn 2024-2026, Tập đoàn đổi mới cách thức và thời gian triển khai, tổ chức đấu thầu công khai. Dựa trên mức giá đấu thầu và kinh nghiệm Vận hành khai thác, Viettel Construction đã chính thức trở thành đơn vị trúng 06 gói thầu với tổng giá trị lên đến hơn 15.850 tỷ đồng. Các gói thầu được thực hiện trong thời gian 1.096 ngày, giá trị nghiệm thu theo các giai đoạn tháng/quý/năm.
Hình ảnh trạm BTS Viettel tại Ninh Bình
Năm 2023, lĩnh vực Vận hành Khai thác (VHKT) của Viettel Construction đã đóng góp 49% (5.531,9 tỷ đồng) trên tổng doanh thu, tăng trưởng 13% so với năm 2022. Động lực tăng trưởng này đến từ việc VHKT trong nước tăng 7%, VHKT nước ngoài tăng 35%. Trên cơ sở đó, doanh thu năm 2023 của Viettel Construction đã cán mốc 11.399,4 tỷ đồng, hoàn thành 110% kế hoạch năm, tăng trưởng 21,3% so với năm 2022. Lợi nhuận trước thuế đạt 645,4 tỷ đồng, hoàn thành 105% kế hoạch, tăng trưởng 16,3% so với năm 2022.
Theo số liệu báo cáo tài chính các doanh nghiệp khối phi tài chính trong 9 tháng đầu năm, có 92 doanh nghiệp vốn hóa trên 6.000 tỷ đồng, trong đó có 17 doanh nghiệp tăng trưởng doanh thu lớn hơn 19%, 24 doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận lớn hơn 17%.
Trong số 209 doanh nghiệp khối phi tài chính có vốn điều lệ lớn hơn 1.000 tỷ đồng (trong 9 tháng đầu năm 2023) thì có 7 doanh nghiệp có ROE cao hơn 29%, trong đó Viettel Construction hiện đang sở hữu ROE đạt 28,8%. Chỉ số này hiện đang tốt so với ngành bán lẻ 2023 (đạt 7,14%), ngành xây dựng (đạt 2,5%).
Hình ảnh nhân viên kỹ thuật Viettel Construction đang thực hiện nhiệm vụ
Thực tế thị trường VHKT đang mở ra nhiều cơ hội mới cho Viettel Construction khi Chính phủ dự định định tắt mạng 2G vào cuối năm 2024. Khi công nghệ 5G bùng nổ thì Viettel Construction sẽ có thêm cơ hội xây lắp, vận hành, đầu tư các trạm xây mới.
Tại hội nghị Quân chính do Tập đoàn Viettel tổ chức vào ngày 12/01/2024, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ:
“Năm 2024 là năm thương mại hoá 5G trên phạm vi toàn quốc. Nếu 4 năm trước đây mà triển khai 5G thì thiết bị rất đắt, có làm thì cũng chỉ nên phủ sóng 20-30% dân số, phủ sóng ở các thành phố. Nhưng nay sau 4 năm, giá thiết bị giảm chỉ còn 1/4, vậy nên vẫn với số tiền ấy chúng ta có thể phủ sóng 100%. Vậy, chúng ta hãy lập kế hoạch để phủ sóng toàn quốc ngay trong năm 2024, hãy sử dụng 5G SA ngay, không cần phải đi qua giai đoạn trung gian 4,5G (5G NSA).
Viettel phải làm trước thì các nhà mạng khác mới đi theo. Cũng giống như gần 20 năm về trước, khi các nhà mạng khác đi trước Viettel 10 năm mà chỉ có 700-800 trạm phát sóng, thì Viettel ngay từ những năm đầu tiên đã triển khai ngay 4.000 trạm phát sóng, lớn hơn 4-5 lần các nhà mạng đi trước, vì vậy đã tạo ra sự bùng nổ di động của Việt Nam. Chỉ sau 4 năm, mật độ di động của Việt Nam tăng từ 4% lên 100% và Viettel trở thành nhà mạng số 1. Các nhà mạng Vinaphone, MobiFone thì cũng không ai nhỏ đi, không ai lỗ, mà đều lớn lên cả, vì miếng bánh to hơn. Và điều quan trọng hơn cả là đất nước, người dân được nhờ”.
Điều này giúp cho Viettel Construction có cơ hội trở thành lựa chọn hàng đầu của các nhà mạng khi thuê ngoài hoạt động xây lắp, VHKT hạ tầng. Lựa chọn này giúp các nhà mạng tối ưu bộ máy, đồng thời giúp tiết kiệm chi phí, chuyên môn hóa năng lực triển khai.