Công ty tư vấn và phân tích dữ liệu toàn cầu GlobalData (Anh) vừa đưa ra báo cáo xu hướng công nghệ được đầu tư mạnh mẽ trong năm 2023 sẽ tập trung vào các nhóm lĩnh vực: trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, internet vạn vật (IOT), robot, an ninh mạng và tiền điện tử.
Internet vạn vật (IOT) được biết đến là mạng kết nối các đồ vật và thiết bị thông qua cảm biến, mạng không dây, phần mềm và các công nghệ khác, cho phép các đồ vật và thiết bị thu thập, trao đổi dữ liệu với nhau. Nhờ IOT các thiết bị được kết nối với nhau giúp cuộc sống trở nên thông minh hơn, thông qua tính năng gửi và nhận thông tin một cách tự động.
Theo đó, Viettel Construction sẽ có nhiều lợi thế để phát triển lĩnh vực Hạ tầng cho thuê mà Tổng Công ty đang kinh doanh hiện nay, với các giải pháp: cho thuê hạ tầng trạm phát sóng BTS, hạ tầng IOT, hạ tầng truyền dẫn, phủ sóng tòa nhà – Inbuilding, hạ tầng năng lượng.
Ứng dụng IOT trong nhà thông minh
Theo New York Times, năm 2022 thị trường bắt đầu chú ý với xu hướng của xe điện, metaverse và nhà thông minh. Đặc biệt sau làn sóng Covid 2 năm vừa qua, 70% người trung tuổi tại Mỹ cho biết đã thực hiện cải thiện ngôi nhà của mình, trong đó 51% số người này đã trang bị thêm smarthome cho ngôi nhà.
Nhờ vào công nghệ IOT, các thiết bị trong nhà được kết nối với nhau trở nên thông minh hơn và hiểu ý gia chủ. Các ngữ cảnh sống được kích hoạt tự động không còn là tương lai mà đã trở nên thực tế trong cuộc sống ngày nay. Thậm chí, các thiết bị smarthome đến từ những thương hiệu khác nhau giờ đây cũng có thể “giao tiếp” với nhau để hỗ trợ người dùng được tốt nhất. “Khi tất cả thiết bị sử dụng chung một ngôn ngữ, công nghệ sẽ phát huy tối đa tính hữu dụng” – Bà Samantha Osborne, Phó chủ tịch Samsung SmartThings chia sẻ với The New York Times.
IOT trong chăm sóc sức khoẻ và sự kết hợp với 5G
Ngày nay những chiếc đồng hồ kiểm tra sức khoẻ, cảm biến được tích hợp trong điện thoại thông minh giúp đo huyết áp không còn quá xa lạ với người dùng, đặc biệt là trong giai đoạn Covid-19 giải pháp IOT đã hỗ trợ các chuyên gia chăm sóc sức khoẻ đến nhiều người hơn, nhanh hơn, gia tăng trải nghiệm và chi phí hợp lý hơn. Do vậy, đây không chỉ là ứng dụng phổ biến của hiện tại mà được dự báo là xu hướng của tương lai.
Thêm vào đó 5G được sử dụng với tốc độ kết nối nhanh được coi là cánh cửa mới giúp khả năng truy cập IOT rộng rãi hơn, vừa tăng tính linh hoạt của kết nối, vừa giúp gia tăng hiệu suất.
Viễn cảnh của “công dân số”
Statista lạc quan dự báo rằng chỉ riêng công nghệ 5G sẽ cung cấp năng lượng kết nối cho 1,3 tỷ thiết bị IOT di động vào năm 2023. Bức tranh về ngôi nhà tiện nghi với những trải nghiệm sống tự động gần như được phác thảo rõ rệt trong những năm tới và càng ngày càng không có giới hạn cho sự phát triển của định nghĩa thế nào là ngôi nhà lý tưởng.
Với sự phát triển này những “công dân số” sẽ được chăm sóc toàn diện cả về sức khỏe, trải nghiệm và đời sống tinh thần ngay trong “tổ ấm” của mình. Không nghi ngờ gì nữa, điện thoại thông minh, loa, 5G sẽ là ảnh hưởng đáng kể đến cách chúng ta quản lý và tương tác với ngôi nhà. Với những tác động tích cực lên cuộc sống, những ứng dụng của IOT và nhà thông minh nói riêng đang dần được người dùng trên khắp thế giới đầu tư mức chi phí đáng kể, với mong muốn sở hữu và làm chủ cuộc sống một cách trọn vẹn nhất.
Nguồn: GenK, Statista, GlobalData.