Cụ thể, theo Quyết định 21/QĐ-BCT của Bộ Công Thương, mức giá trần của khung giá phát điện (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) áp dụng cho các nhà máy điện mặt trời mặt đất là 1.184,90 đồng/kWh, điện mặt trời nổi là 1.508,27 đồng/kWh.
Giá trần áp dụng cho điện gió trong đất liền là 1.587,12 đồng/kWh, điện gió trên biển là 1.815,95 đồng/kWh.
Như vậy sau thời gian dài chờ đợi, các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp đã có mức giá mới. Bởi quyết định 13 về cơ chế khuyến khích (giá FIT) điện mặt trời đã hết hiệu lực từ ngày 31-12-2020. Quyết định 39 về giá FIT cho điện gió cũng hết hiệu lực từ ngày 31-10-2021.
Khung giá mới được xây dựng trên cơ sở thông tư số 15 của Bộ Công Thương. Trong đó quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Việc ban hành khung giá này là căn cứ để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị phát điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp thực hiện.
Trước đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đã có tờ trình gửi Bộ Công Thương về việc rà soát khung giá phát điện với dự án này. EVN đưa ra bốn phương án để tính khung giá. Bao gồm tính toán dựa trên suất đầu tư, tỉ lệ vốn vay, lãi suất và các khoản thuế. Hoặc các phương án không bao gồm yếu tố suất đầu tư, sản lượng điện… Tuy vậy, mức giá EVN đề xuất cao hơn mức mà Bộ Công Thương vừa phê duyệt.
Hình ảnh nhân viên kỹ thuật Viettel Construction tại một dự án điện năng lượng mặt trời
Ngay trong đầu Tháng 3/2023, Bộ Công Thương vừa có công văn 094/BCT-ĐTĐL khẩn gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ đạo EVN khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp thỏa thuận, thống nhất giá điện.
Bộ Công Thương đưa ra 3 yêu cầu trong nguyên tắc xác định giá phát điện. Đó là, phải theo quy định ở khoản 1, Điều 29 Luật Điện lực về chính sách giá điện; trong đó, Bộ Công Thương nhấn mạnh, cần tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển điện lực có lợi nhuận hợp lý. Dẫn quy định tại khoản 4, Điều 29 Luật Điện lực, Bộ Công Thương yêu cầu “Bảo đảm quyền tự quyết định giá mua, bán điện trong khung giá, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do Nhà nước quy định của các đối tượng mua bán điện trên thị trường điện lực”.
Một nguyên tắc khác là “Giá phát điện theo hợp đồng mua bán điện có thời hạn, giá bán buôn điện do các đơn vị điện lực thỏa thuận nhưng không được vượt quá khung giá phát điện, khung giá bán buôn điện đã được phê duyệt”, theo quy định ở khoản 3, Điều 31 Luật Điện lực.
Về hợp đồng mua bán điện, Bộ Công Thương nêu rõ, chủ đầu tư và EVN đàm phán, sửa đổi trên cơ sở hợp đồng mua bán điện đã ký và các nội dung quy định tại Thông tư số 01 (ngày 19/1/2023) bãi bỏ một số quy định tại Thông tư số 02 (ngày 15/1/2019) và Thông tư số 18 của Bộ trưởng Bộ Công Thương…
Doanh nghiệp nước ngoài dồn dập đầu tư các dự án điện gió tại Việt Nam
Ngày 10/2, tại Singapore diễn ra lễ ký kết bản ghi nhớ giữa Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Becamex IDC (Việt Nam) và Sembcorp (Singapore) hợp tác hình thành và phát triển 5 khu công nghiệp theo định hướng xanh, thông minh và bền vững tại Việt Nam. Tổng vốn đầu tư để phát triển 5 khu công nghiệp này xấp xỉ 1 tỷ USD.
Cũng trong ngày này, Sembcorp đã ký thỏa thuận hợp tác phát triển chung với Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) trong việc phát triển dự án điện gió ngoài khơi để xuất khẩu sang Singapore.
Đầu năm 2022, Sembcorp đã ký Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn KN Energy về việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam, trong đó bao gồm dự án điện mặt trời nổi 500MWp tại tỉnh Gia Lai.
Ngày 9/12/2021, Sembcorp đã ký kết với BCG Energy (Công ty thành viên của Bamboo Capital Group – BCG) hợp đồng hợp tác để phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Sembcorp đã đầu tư vào Việt Nam thông qua nhiều pháp nhân như: Công ty Điện lực Phú Mỹ 3; Sembcorp Energy Việt Nam và Sembcorp Solar Vietnam,…
Trung Quốc đang hướng đến vị trí hàng đầu thế giới về năng lượng tái tạo thông qua các dự án trang trại điện gió
Vừa qua, Tập đoàn Tam Hiệp (CTG), hợp tác cùng Công ty Khoa học Công nghệ Goldwind Technology thông báo sẽ khởi công xây dựng trang trại điện gió ngoài khơi quy mô lớn đầu tiên của Trung Quốc. Dự kiến, trang trại sẽ sử dụng các turbine có công suất 16 MW. Hiện nay, những trang trại điện gió ngoài khơi khác của đất nước tỷ dân chỉ sử dụng turbine gió có công suất dưới 10 MW (thấp hơn 1,6 lần so với cỗ máy mới).
Đây sẽ là một bước đột phá trong nghiên cứu và sản xuất turbine gió, giúp nó đạt đến đẳng cấp thế giới. Cỗ máy khổng lồ ngoài khơi sẽ có những cánh quạt có thể tạo ra vòng tròn với đường kính 252 mét, khi quay sẽ quét qua diện tích rộng 50.000 mét vuông, tương đương với bảy sân bóng đá tiêu chuẩn.
Với công suất đạt tới 400 MW, đây là cỗ máy điện sạch duy nhất có công suất điện đạt mức này
Trong kế hoạch hiện đại hóa công nghiệp “Made in China 2025”, Trung Quốc coi năng lượng tái tạo là mục tiêu trọng tâm, nhằm mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành quốc gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này.
Năm 2023, nhu cầu lưu trữ điện ở Trung Quốc được dự đoán sẽ tăng gần 50%, lên 30 gigawatt giờ (GWh). Theo dữ liệu từ nhà cung cấp thông tin Windmango, quốc gia này cũng đã hoàn thành 446 dự án điện gió với tổng công suất 87 GW vào năm ngoái, tăng từ 60 GW so với năm 2021.
Nguồn: CafeF và tổng hợp.