Ngày 18/4/2023, Tổng Công ty CP Công trình Viettel (Viettel Construction) đã tổ chức Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2023. Đến dự với buổi lễ có sự tham gia của ông Đỗ Mạnh Hùng – Chủ tịch HĐQT Viettel Construction; ông Phạm Đình Trường – Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc; cùng các thành viên trong HĐQT, các Phó Tổng Giám đốc và Giám đốc, Trưởng phòng khối Cơ quan của Tổng Công ty.
Ông Đỗ Mạnh Hùng – Chủ tịch HĐQT Viettel Construction
Đại hội đã thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2022 với tỷ lệ cổ tức 31,51% (bao gồm 10% bằng tiền và 21,51 % bằng cổ phiếu). Dựa trên kết quả doanh thu hợp nhất năm 2022 đạt 9.398 tỷ đồng, hoàn thành 109% kế hoạch, tăng trưởng 26% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt 443 tỷ đồng, hoàn thành 107% kế hoạch, tăng trưởng 18% so với cùng kỳ 2021.
Ông Phạm Đình Trường – Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc
Tại Đại hội, cổ đông Viettel Construction đã nhất trí thông qua kế hoạch với mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất năm 2023 đạt 10.338 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 487 tỷ đồng, đều tăng 10% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu của Công ty mẹ đạt 9.256 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ đạt 471,6 tỷ đồng; ROE đạt 26,4%.
Theo đó, các nhiệm vụ trọng tâm cụ thể Viettel Construction sẽ thực hiện trong năm 2023 với các lĩnh vực như sau:
Lĩnh vực Vận hành khai thác:
– Nâng cao chất lượng, rút ngắn thời gian triển khai dịch vụ mới CĐBR đến cho khách hàng, để tăng tính cạnh tranh và gìn giữ khách hàng.
– Doanh thu mục tiêu 5.354 tỷ đồng, tăng trưởng 9% so với năm 2022.
Lĩnh vực Đầu tư Hạ tầng cho thuê:
– Giữ vị trí TowerCo số 1 Việt Nam. Triển khai xây dựng mới 2.500 trạm BTS, nâng tỷ lệ dùng chung lên 1.04.
– Doanh thu 472 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2022.
Lĩnh vực Xây dựng:
– Mở rộng không gian kinh doanh ra các lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng khu công nghiệp, dự án vốn ngân sách (Bộ Quốc Phòng, Bộ Công An, vốn ngân sách tại địa phương). Hoàn thiện nền tảng năng lực cho các loại hình xây dựng, các dự án lớn, trọng điểm như: dự án sân bay, dự án cảng biển, nhà ở xã hội,…
– Thực hiện chủ trương “Xây dựng B2C là nền tảng, SME là phát triển”.
– Doanh thu 3.082 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2022.
Lĩnh vực Giải pháp tích hợp:
– Tập trung các sản phẩm trọng điểm (giải pháp cơ điện nhà máy, tòa nhà; hệ thống truyền tải & EMS cho khu công nghiệp; giải pháp solar, smart solution; nông thông mới;…).
– Doanh thu mục tiêu tối thiểu 1.045 tỷ đồng.
Lĩnh vực Dịch vụ Kỹ thuật:
– Cung cấp dịch vụ tin cậy đến doanh nghiệp và hộ gia đình với 04 sản phẩm chính: Home Services, Solar Services, IT Services và Operation Services.
– Doanh thu mục tiêu 354 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022.
Đại hội cũng đã thông qua miễn nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021-2025 đối với bà Nghiêm Phương Nhi và bầu bổ sung thay thế 01 thành viên HĐQT là bà Vũ Thị Mai, Trưởng Ban Tổ chức Nhân lực Tập đoàn Viettel.
Trong khuôn khổ chương trình, đoàn Chủ tịch đã trả lời, chia sẻ thông tin của Viettel Construction thông qua các câu hỏi trực tuyến và trực tiếp:
Câu hỏi số 1: Tại sao hợp đồng vận hành khai thác ký với Tổng Công ty viễn thông Viettel (VTT) giá trị hợp đồng tăng thêm qua các năm còn hợp đồng ký với Tổng Công ty Mạng lưới Viettel (VTNet) lại không tăng?
Trả lời:
Viettel Construction hiện có 02 hợp đồng trong nước:
– Vận hành Khai thác và ứng cứu thông tin trạm, tuyến cáp ký với VTNet.
– Dịch vụ quản lý đường dây thuê bao ký với VTT.
Số trạm hàng năm tăng không đáng kể do vậy giá trị hợp đồng vận hành với VTNet không tăng. Trong khi dây thuê bao hàng năm tăng thêm 5-7% nên giá trị hợp đồng ký với VTT tăng theo tương ứng. Các hợp đồng vận hành khai thác tại nước ngoài là độc lập với trong nước. Doanh thu vận hành khai thác năm 2022 tại Việt Nam là hơn 4.000 tỷ và nước ngoài là 800 tỷ.
Ông Đỗ Mạnh Hùng – Chủ tịch HĐQT chủ trì phiên thảo luận
Câu hỏi số 2: Lợi thế cạnh tranh của CTR trong mảng xây lắp B2C so với các đơn vị/ nhà thầu nhỏ tại địa phương?
Trả lời: Viettel Construction thực hiện hợp đồng xây nhà trọn gói. Lợi thế của Tổng Công ty: Có lực lượng nhân sự ở 63 tỉnh, thành phố; có nguồn lực về quy trình, quản trị, vốn; có hệ sinh thái đối tác (nhà cung cấp vật tư, thầu phụ); có hỗ trợ khách hàng trong việc xin cấp phép xây dựng. Chúng tôi cũng có thể làm việc với ngân hàng để cho khách hàng vay.
Câu hỏi số 3: CTR hiện sở hữu bao nhiêu trạm Macro/RRU/Smallcell? Doanh thu và suất đầu tư theo trạm là bao nhiêu?
Trả lời: Trạm Macro và RRU của Viettel Construction hiện tại chiếm khoảng hơn 90% tổng số trạm, còn lại là smallcell. Doanh thu và suất đầu tư sẽ phụ thuộc vào loại trạm.
Câu hỏi số 4: Mảng dịch vụ kỹ thuật lại sao số khách hàng giảm nhưng doanh thu tăng gấp 3 lần?
Trả lời: Năm 2022, Viettel Construction đẩy mạnh phát triển với khách hàng B2B, do vậy mặc dù số công trình giảm nhưng doanh thu lại tăng gấp 3 lần. Hiện tại doanh thu B2B và B2C hiện ngang nhau và Viettel Construction sẽ duy trì tỷ lệ 50-50% bởi hai phần này hỗ trợ cho nhau.
Câu hỏi số 5: Lý do tại sao số lượng trạm BTS cho thuê năm 2022 tăng mạnh nhưng doanh thu không tăng tương ứng?
Trả lời: Giá thuê trạm BTS gồm 2 phần: Thuê hạ tầng (trạm/cột/nhà) và thuê nguồn. Do vậy, doanh thu sẽ phụ thuộc vào cấu thành thuê từng trạm.
Ông Phạm Đình Trường – Tổng Giám đốc giải đáp các thắc mắc của cổ đông
Câu hỏi số 6: Giá nguyên vật liệu tăng có ảnh hưởng đến lợi nhuận mảng xây dựng của CTR không? Nhân sự trong lĩnh vực xây dựng B2C là nhân viên của công ty hay thuê ngoài?
Trả lời: Vật tư chính được Tổng công ty mua sắm tập trung với các nhà cung cấp lớn. Còn các vật tư khác thì có quy hoạch, đánh giá nhà cung ứng tại địa phương để kiểm soát chi phí đầu vào. Tại các Chi nhánh, chúng tôi có lực lượng kiến trúc sư làm thiết kế và kỹ sư để điều hành quản lý thi công. Phần thi công chúng tôi lựa chọn nhà thầu phụ hoặc đội nhân công thực hiện theo quy trình và tiêu chuẩn của Công ty. Nhà thầu của Tổng Công ty phải được cấp giấy chứng nhận của Tổng Công ty và an toàn lao động.
Câu hỏi số 7: Biên lợi nhuận mảng xây dựng dân dụng là bao nhiêu? Rủi ro của mảng này là gì?
Trả lời: Biên lợi nhuận năm 2022 là từ 5% – 6%. Chúng tôi có hệ sinh thái sản phẩm khép kín từ tư vấn, thiết kế, thi công, giải pháp, sản phẩm do vậy sẽ tiết kiệm được chi phí quản lý chung để tăng lợi nhuận. Mảng này hoàn toàn không có rủi ro vì chúng tôi nhận tiền xong mới xây dựng.
Câu hỏi số 8: Tỷ lệ dùng chung ở mảng Towerco các mục tiêu năm 2023-2025 là bao nhiêu?
Trả lời: Mục tiêu tỷ lệ dùng chung năm 2023: 1.04 và năm 2025 là 1.05.
Câu hỏi số 9: Có rủi ro gì khi công ty triển khai đầu tư trạm BTS cho thuê mà không sở hữu bất động sản đi kèm?
Trả lời: Chúng tôi đang thuê đất để đầu tư trạm cho thuê. Việc mua đất để đầu tư trạm BTS cho thuê là không phù hợp và tăng thời gian thu hồi vốn.
Câu hỏi số 10: Ban lãnh đạo chia sẻ thêm về tiến độ đấu giá tần số 5G?
Trả lời: Đây là câu chuyện của các doanh nghiệp viễn thông, các nhà mạng viễn thông, Bộ thông tin truyền thông và các nhà quản lý. Chúng tôi cũng mong muốn việc đấu giá tần số được đẩy nhanh hơn.
Câu hỏi số 11: Công ty có tham gia lĩnh vực xây dựng khu công nghiệp, nhà cao tầng và sân bay không?
Trả lời: Công ty đang nghiên cứu và tham gia thầu tại một số dự án nhà cao tầng, khu công nghiệp.
Câu hỏi số 12: Khó khăn của mảng ICT?
Trả lời: Khó khăn của mảng ICT là khó khăn chung của nền kinh tế. Tuy nhiên trong khó khăn và đi kèm cơ hội cho những doanh nghiệp tốt. Công ty năm nay tập trung thêm vào mảng cơ điện làm với chủ dự án.
Câu hỏi số 13: Xin hỏi Ban điều hành tỷ lệ nợ của công ty thời gian gần đây có tăng lên khá nhanh, nhờ Ban điều hành giải thích giúp về lý do và định hướng?
Trả lời: Phần nợ vay của Tổng Công ty đến từ 2 phần: Vay ngắn hạn phục vụ nhu cầu vốn lưu động tuy nhiên đối ứng với phần vay này là lượng tiền gửi có kỳ hạn dài để tăng lợi nhuận tài chính. Vay dài hạn cho việc đầu tư hạ tầng cho thuê.
Câu hỏi số 14: Dư nợ khách hàng từ hoạt động xây lắp có xu hướng tăng, tiền thu ít, xây dựng là mảng có biên lợi nhuận thấp, công ty có cách nào để quản trị khoản phải thu khách hàng? Đặc biệt là khoản phải thu của cty cổ phần đầu tư phát triển đô thị Hoàng Mai.
Trả lời: Dư nợ từ hoạt động xây lắp tăng do doanh thu xây lắp tăng mạnh, các khoản nợ này vẫn đang tuân thủ điều khoản hợp đồng đã ký. Về quản trị khoản phải thu thì công ty có thực hiện một số biện pháp: Bảo lãnh thanh toán ngân hàng, chia nhỏ các hợp đồng để quyết toán thu tiền nhanh. Ngoài ra, Công ty khi ký hợp đồng xây lắp đều có đánh giá năng lực của Chủ đầu tư.